TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG ĐẠO ĐỨC PHỤ NỮ T.T.HUẾ, XÂY DỰNG NGƯỜI NỮ CÁN BỘ CÔNG CHỨC “TRUNG THÀNH, SÁNG TẠO, TẬN TỤY, GƯƠNG MẪU”
Ngày cập nhật 14/12/2016

Theo truyền thống phương Đông trước đây, người phụ nữ thường là hậu phương vững chắc của người đàn ông, là ngọn lửa giữ gìn mái ấm gia đình, là người nâng khăn, sửa túi cho chồng. song ngày nay, vai trò của người phụ nữ cũng đã dần thay đổi. Cơ hội tiếp cận và tham gia của phụ nữ trong mọi lĩnh vực xã hội ngày càng tăng. Xu hướng hiện nay của phụ nữ là đảm trách tốt cả công việc gia đình và xã hội, trong đó chức năng xã hội của phụ nữ ngày càng được khẳng định mà chức năng gia đình cũng không hề giảm nhẹ. Nếu một người phụ nữ chỉ biết mải mê công việc xã hội, sự nghiệp mà bỏ bê trách nhiệm trong gia đình hay chỉ biết vùi đầu vào nội trợ  mà không tham gia vào công tác xã hội thì chưa hoàn thành thiên chức của người phụ nữ trong thời đại mới. Người phụ nữ mới hôm nay cần hội đủ các phẩm chất “Trung thành, sáng tạo, tận tụy gương mẫu”.

 Sống và làm việc trên mảnh đất cố đô Huế, thừa hưởng những nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam “Công –Dung – Ngôn – Hạnh” nói chung, phụ nữ Huế nói chung và  đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nữ nói riêng luôn cần cù chịu khó học tập, dịu dàng thủy chung, giàu lòng thương yêu và đức hy sinh. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, những phẩm chất tốt đẹp của người nữ cán bộ,công chức, viên chức TT.Huế  ngày được khẳng định và phát huy cao độ. Nữ cán bộ,công chức, viên chức tiếp tục đóng vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội, vừa mang nét truyền thống riêng của vùng đất Cố Đô cũng vừa năng động bắt kịp với nhịp sống hiện đại phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp CNH – HĐH trong thời kỳ phát triển và hội nhập.
Theo báo cáo của sở Nội Vụ TT. Huế năm 2016, hiện nay nữ cán bộ, công chức, viên chức đã có mặt trong tất cả các cơ quan đơn vị với nhiều vị trí, chức vụ công tác khác nhau. Đa số các chị đều đã qua đào tạo, đảm bảo các quy định về chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ cũng như trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước. Thời gian qua, nhiều chị đã được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không chỉ trong lĩnh vực chuyên môn mà còn đảm nhận cả công tác Đảng và đoàn thể tại cơ quan, địa phương mình, đóng góp một phần không nhỏ trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh nhà. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nữ luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, cần cù, thông minh, sáng tạo,trung thực, tận tụy, gương mẫu trong công việc. Các chị vừa đảm đang thiên chức của người vợ, người mẹ vừa nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhiều chị được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ ưu tú, Nhà giáo Ưu tú, Thầy thuốc ưu tú; đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua các cấp, danh hiệu “ Giỏi việc nước và đảm việc nhà” nhiều năm liền và nhiều Bằng khen, giấy khen khác: Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Yến – Nguyên là Hiệu trưởng Trường Mầm non 1, thành phố Huế với nhiều đề tài nghiên cứu được áp dụng rộng rãi ở bậc học Mầm non toàn quốc, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng “Lao động sáng tạo”; Nghệ sĩ ưu tú Phan Thị Bạch Hạc với niềm đam mê luyện tập một số điệu múa Cung Đình trong Lễ Tế Đàn Nam Giao, Lễ Tế Xã Tắc, Huyền Thoại Sông Hương, chương trình sử thi Hành trình mở cõi; Cô giáo Huỳnh Thị Thanh Nga – Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Trung Chánh - Phú Lộc, đạt giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia ở tuổi 27, nhiều lần đạt giải nhất cấp tỉnh về hội thi giáo viên dạy giỏi và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy cấp tiểu học, Giải nhất Hội thi học viên giỏi lý luận chính trị lần thứ nhất năm 2016 tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhà giáo Ưu tú Phạm Thị Xê – nguyên Phó hiệu trưởng Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh nhiều năm liền được liên đoàn lao động các cấp, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước  tặng bằng khen...
Để  tiếp tục xây dựng hình ảnh  người nữ cán bộ công chức, viên chức TT.Huế vừa mang  phẩm chất truyền thống vừa năng động, hiện đại đáp ứng đầy đủ  4 phẩm chất đạo đức của người phụ nữ  trong thời kỳ CNH – HĐH  và xu thế hội nhập mà Ban Chấp hành TW Hội LHPN Việt Nam kỳ họp thứ X( khóa X) đã quyết nghị, theo chúng tôi cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Thứ nhất  cấp uỷ và chính quyền các cấp cần tăng cường hơn nữa chỉ đạo công tác lồng ghép giới trong thực thi chính sách và kế hoạch công tác phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết; ban hành một số chính sách đặc thù nhằm nâng cao năng lực trình độ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ. Quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ nữ và đề bạt cán bộ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý Đảng, Chính quyền nhằm phát huy năng lực, sự đóng góp của lực lượng phụ nữ vào sự nghiệp CNH - HĐH  quê hương đất nước. 
Thứ hai  mỗi một nữ cán bộ, công chức, viên chức cần nhận thức đúng và đầy đủ về 4 phẩm chất Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang  theo yêu cầu của sự nghiệp CNH – HĐH trong thời kỳ phát triển và hội nhập và luôn có ý thức rèn luyện để có được những phẩm chất đó; sẵn sàng vượt qua định kiến về giới, vượt qua những trở ngại của bản thân, dám nghĩ, dám làm, dám tin vào khả năng của mình,  đồng thời có niềm tin vào ý chí, năng lực và phẩm chất tốt đẹp của bản thân. Trong thời kì CNH, HĐH, nữ cán bộ, công chức, viên chức có rất nhiều điều kiện thuận lợi để hình thành và nuôi dưỡng sự tự tin. Trước hết, toàn cầu hóa đã tạo điều kiện cho phụ nữ được tiếp cận, giao lưu với nền văn hóa toàn cầu, được tiếp xúc với những phấm chất tự tin, cởi mở trong giao tiếp, có kỹ năng, có văn hóa lao động công nghiệp... mà phụ nữ ở nhiều nước trên thế giới đã có. Từ đó tiếp thu, tự học, tự bồi dưỡng để làm giàu thêm những phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam. Bên cạnh đó, toàn cầu hóa về kinh tế đã tạo ra nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập, giúp phụ nữ trở thành người chủ thực sự về kinh tế trong gia đình, đóng góp kinh tế cho xã hội. Người phụ nữ đã có tiếng nói, có quyền tham gia vào việc ra quyết định và thể hiện được trách nhiệm chia sẻ trong việc thực hiện các chức năng của gia đình, góp phần quan trọng thúc đẩy bình đẳng giới ngày càng hiệu quả hơn. Một thuận lợi nữa là hiện nay, nữ cán bộ, công chức, viên chức T.T.Huế  đang sống trong một thời đại mà vấn đề bình đẳng giới được đưa vào chính sách, chiến lược phát triển của quốc gia. Để tham gia thực hiện bình đẳng giới, chị em không những phải thay đối về mặt nhận thức, mà bản thân mình cũng phải khắc phục tâm lý tự ti, mặc cảm nhưng không tự kiêu. Tự tin, cố gắng vươn lên với tinh thần tự khẳng định mình thì địa vị của phụ nữ sẽ giúp chị em có thể đóng góp nhiều nhất trong khả năng của mình cho xã hội, cho tương lai.
Thứ ba, mỗi một nữ cán bộ, công chức, viên chức không ngừng học tập vươn lên, tự xác định nhu cầu, mục đích học tập, lựa chọn nội dung và loại hình học tập thích hợp; có ý thức học mọi lúc, mọi nơi, mọi hình thức. Để đáp ứng được yêu cầu nền sản xuất này, phụ nữ phải có trí tuệ, có trình độ học vấn, kiến thức cao mới đảm đương tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, người phụ nữ cần năng động, sáng tạo, có phương pháp làm việc khoa học để đạt được năng suất lao động và hiệu quả công việc một cách tốt nhất. Trong những điều kiện mới, cần có cách suy nghĩ, cách làm khác trước; cần vượt qua những cách làm không còn phù hợp. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, năng động, sáng tạo không phải là một tố chất bẩm sinh, nó được hình thành trên cơ sở của nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến sự trau dồi về học vấn, kiến thức và vốn sống. Thực tế cho thấy trình độ chuyên môn nghiệp vụ một số ít  nữ cán bộ, công chức, viên chức TT.Huế còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Do vậy, nữ cán bộ, công chức, viên chức TT.Huế cần quyết tâm nâng cao năng lực bản thân, tranh thủ cơ hội, điều kiện để tự học và tham gia các lớp học đạt chuẩn và nâng chuẩn. Học tập là chìa khóa để người nữ cán bộ, công chức, viên chức tự tin mở cánh cửa hội nhập với xã hội, với thế giới. 
Thứ tư, người nữ cán bộ, công chức, viên chức phải tự giác thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức. Luôn quan tâm đến lợi ích xã hội;  sống có nghĩa, có tình; Thủy chung trong các mối quan hệ gia đình và xã hội; thủy chung trong tình bạn, tình yêu, tình đồng chí, đồng nghiệp;  Không để cho lối sống ích kỷ, tráo trở lọc lừa, “tham vàng, bỏ ngãi” tồn tại. 
Cùng những giải pháp nói trên, người nữ cán bộ, công chức, viên chức  trong thời hiện đại cũng cần phải phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, làm tốt chức năng của người phụ nữ trong gia đình. Các chị phải thể hiện sự năng động, sáng tạo, đảm đang biết cách tổ chức, sắp xếp công việc gia đình cho phù hợp khoa học, vừa hoàn thành tốt vai trò của người con, người vợ, người mẹ. Người phụ nữ phải là nhân tố giữ gìn, xây dựng truyền thống gia đình với chuẩn mực “Ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc bền vững”. Sẵn sàng tham gia các hoạt động xã hội, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa trong gia đình, trong khu dân cư.
Với những phẩm chất và truyền thống tốt đẹp vốn có; cùng với  sự quan tâm hỗ trợ tạo điều kiện của cấp ủy Đảng, Chính quyền, các ban ngành, gia đình và toàn xã hội, người nữ cán bộ, công chức, viên chức TT.Huế  sẽ tiếp tục phát huy tài năng, trí tuệ  vừa xứng đáng là người “giữ ngọn lửa ấm” trong mỗi gia đình, đồng thời góp phần xứng đáng  vào sự nghiệp xây dựng  và phát triển quê hương TT.Huế hôm nay và mai sau./.
Thạc sỹ Nguyễn Thị Châu-Phó Hiệu trưởng trường chính trị Nguyễn Chí Thanh
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.288.695
Truy câp hiện tại 37