TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.313.979
Truy câp hiện tại 1.867
'Người bạn Pháp của Việt Nam' kể chuyện Hồ Chí Minh
Ngày cập nhật 19/05/2010

"Khi Người lưu lại gia đình tôi, nhiều người bạn hỏi phải chăng Hồ Chí Minh đến ở nhà tôi để giải trí? Không phải vậy, Người ở đó để tranh thủ thời gian tìm hiểu về đời sống người dân Pháp", ông Raymond Aubrac nhớ lại.

Nhân dịp 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 5/2010, ông Aubrac đã cùng con gái Elisabeth trở lại thăm Việt Nam. Đã 96 tuổi, nhưng hễ nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Raymond Aubrac lại trở nên phấn chấn lạ thường. "Tôi có cơ may được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhờ vào cuộc kháng chiến chống phát xít Đức của nhân dân Pháp", ông chậm rãi mở đầu câu chuyện.

Ông kể, giữa năm 1946, sau cuộc đàm phán với Pháp không có kết quả, nhận lời mời của Chính phủ Pháp, Hồ Chí Minh đã sang thăm Pháp với danh nghĩa Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Cũng thời gian này ở Pháp có Hội nghị Fontainebleau. Đoàn Việt Nam tham dự do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó cũng ở Paris, nhưng không tham gia hội nghị. Sau khi hội nghị kết thúc, đoàn Việt Nam về nước, còn Người ở lại để cùng với Marius Moutet, Bộ trưởng Bộ Hải ngoại, đại diện Chính phủ Pháp ký bản Tạm ước với hy vọng cứu vãn hoà bình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh bế con gái đỡ đầu Elizabeth. Bên cạnh là bà Lucie Aubrac. Ảnh tư liệu.

Ngày 27/7/1946, Việt kiều ở Pháp tổ chức tiệc chiêu đãi tại Vườn Hồng Bagatelle ở Paris để chào mừng Chủ tịch. Ông Raymond Aubrac cũng có mặt trong buổi chiêu đãi. Trò chuyện trong buổi gặp gỡ đầu tiên, "người bạn Pháp" cảm nhận và chia sẻ sự gắn kết gần gũi về lý tưởng đấu tranh cách mạng với Hồ Chí Minh.

"Đó là mối quan hệ giữa cuộc kháng chiến của lực lượng yêu nước Pháp và sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam", ông Raymond Aubrac kể lại. Ngay khi đó, ông đã nảy ý định mời Chủ tịch Hồ Chí Minh đến ở nhà riêng của mình ở Soisy-sous-Montmorency, ngoại ô Paris, dù Chính phủ Pháp dành cho Người một tầng trong ngôi nhà lớn ở gần Khải hoàn môn.

Ông Aubrac kể, khi ông làm đại diện Chính phủ Pháp tại Marseille năm 1944-1945, ở đó có rất nhiều lính thợ Việt Nam được Chính phủ Pháp tuyển mộ sang Pháp từ năm 1939 để thay thế cho thanh niên Pháp nhập ngũ. Phát hiện tại các trại này anh em bị côn đồ đàn áp, ông đã giải tán Ban chỉ huy, thay bằng những người tốt và cho anh em tự bầu ra một Ban tư vấn bên cạnh Ban chỉ huy. Từ đó anh em biết ơn ông và năm nào đến dịp lễ Tết đều mời ông dự.

"Có lẽ vì thế mà tôi được mời dự cuộc chiêu đãi ở Bagatelle và được giới thiệu với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và ngày hôm đó đã đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời tôi", ông Aubrac nói.

6 tuần Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nhà ông là khoảng thời gian đáng nhớ nhất với gia đình ông Aubrac. Lúc đó gia đình ông Aubrac có hai vợ chồng, hai con nhỏ, mẹ vợ và một người giúp việc.

"Khi Người lưu lại gia đình tôi, nhiều người bạn Pháp hỏi phải chăng Hồ Chí Minh đến ở nhà tôi để giải trí. Không phải vậy, Người ở đó để tranh thủ thời gian tìm hiểu về đời sống của người dân Pháp, hoàn cảnh nước Pháp... Chủ tịch nói chuyện với mẹ tôi, qua đó so sánh với điều kiện sống của dân Việt Nam", ông Aubrac nhớ lại.

Mỗi buổi sáng, người nhà ông Aubrac mang đến cho Bác sách báo tiếng Pháp, tiếng Anh, Đức, Nga… Bác thường đọc báo ngay trên thảm cỏ hàng giờ liền. Chính phủ Pháp dành cho Bác một tầng trong một ngôi nhà lớn ở gần Khải hoàn môn, nhưng Bác thường không vào Paris tiếp khách, mà mời về nhà ông Aubrac. Ở đây Bác tiếp và chiêu đãi nhiều nhân vật thuộc các khuynh hướng chính trị khác nhau, các nhà văn, nhà báo...

Ông kể lại rằng, ngày 31/7/1946, nhân ngày sinh của ông, Bác đã tặng ông một bức tranh của họa sĩ Vũ Cao Đàm, một trí thức Việt kiều yêu nước. Bức tranh tả một bà mẹ mới sinh con, đang vươn cánh tay dài với những ngón tay mảnh dẻ vuốt đầu cháu bé. Ít lâu sau, vợ ông sinh người con gái thứ ba, Elizabeth, Người đã đến nhà hộ sinh thăm, tặng hoa và nhận là người đỡ đầu.

"Đó là ngày 15/8/1946. Từ đó trở đi, cả trong thời gian chiến tranh, chúng tôi luôn nhận được một món quà hay một cử chỉ nào đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cho con gái tôi", ông Aubrac bồi hồi.

9 năm sau kể từ năm 1946, ông Aubrac mới có cơ hội gặp lại Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1955 khi công tác tại Bắc Kinh, ông Aubrac vô tình đọc được trên tờ báo Bắc Kinh bằng tiếng Anh dòng chữ rất to “Chào đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm nước CHND Trung Hoa". Ngay lập tức, ông gọi điện đến Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc nhờ gửi đến Chủ tịch Hồ Chí Minh lời chào của người bạn sau 9 năm chưa gặp lại. 15 phút sau, điện thoại đổ chuông, một người nói với ông “Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ông 6 giờ sáng mai đến ăn sáng".

Ông Raymond Aubrac (phải) nhận được tình cảm nồng nhiệt từ những người bạn Việt Nam. Trong ảnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng thân mật bắt tay và trò chuyện với ông bên lề Hội thảo quốc tế Di sản Hồ Chí Minh giữa tháng 5. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Sáng hôm sau, lái xe đón ông đến gặp Bác Hồ. Vừa gặp, Chủ tịch Hồ Chí Minh ôm hôn ông và hỏi thăm tình hình gia đình, các con của ông Aubrac. Khi biết ông Aubrac đến Bắc Kinh để đàm phán về một hiệp định thương mại Pháp - Trung, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị ông giúp đỡ trong việc đàm phán hiệp định thương mại đầu tiên giữa Pháp và Việt Nam.

"Hồ Chủ tịch nói nếu như tôi ở Hà Nội thì có thể giúp Việt Nam được việc này vì hai phái đoàn Pháp - Việt đều biết tôi. Tôi đã trả lời rất vui nếu được giúp nối lại cuộc đàm phán này. Ngay sau đó tôi sang Hà Nội", ông Aubrac kể.

Ông Aubrac đã vượt quãng đường dài 5 ngày 4 đêm từ Bắc Kinh qua cửa khẩu Lạng Sơn bằng tàu hỏa đến Việt Nam lần đầu tiên. Đến Hà Nội, ông Aubrac đã gặp ông Phạm Văn Đồng và đại diện đoàn Pháp. Trong vòng 5 phút sau khi ông Aubrac đưa ra ý kiến trọng tài về cuộc đàm phán này, hai bên đã ký Hiệp định thương mại đầu tiên. Sau đó, ông lại bắt tàu hỏa từ Lạng Sơn về Bắc Kinh.

"Thế là tôi đi mất 10 ngày, 8 đêm chỉ để làm việc 5 phút", ông nói vui khi nhớ lại.

Năm 1967 cuộc chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam đang ở giai đoạn khốc liệt. Dư luận thế giới bày tỏ sự lo lắng, trong số đó có Pugwash, Tổ chức chống chiến tranh hạt nhân gồm nhiều nhà khoa học nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực chế tạo bom nguyên tử. Hội nghị ở Paris năm đó có bàn về vấn đề Việt Nam và nhất trí cử hai nhà khoa học Pháp làm "sứ giả" giữa Washington và Hà Nội. Mục tiêu là tiến tới sự gặp gỡ giữa người đại diện có thẩm quyền của hai Chính phủ để bàn về việc ngừng leo thang chiến tranh.

Khi đó, ông Aubrac đang làm việc cho Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc (FAO) ở Rome (Italy). Ông nhận được yêu cầu trở về Pháp và cùng giáo sư người Pháp Herbert Marcovich thực hiện nhiệm vụ này. Hai ông phải dừng chân tại Phnom Penh (Campuchia) để xin visa vào Hà Nội vì khi đó Việt Nam chưa có đại diện ngoại giao ở châu Âu.

Sau khi tới Hà Nội, ông đã tới nhà sàn gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vừa gặp, Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi thăm bà Lucie Aubrac và các cháu, nhất là Elisabeth. Sau câu chuyện hàn huyên, ông Aubrac nói về cuộc họp của Pugwash ở Paris và nói ông có nhiệm vụ chuyển tới Chủ tịch một "bức thông điệp miệng" của Tổ chức này nhằm tìm một giải pháp cho vấn đề chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.

Chủ tịch nói: "Không thể chấp nhận được, trừ khi Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom bắn phá Việt Nam". Trước khi về nhà sàn nghỉ, Bác Hồ chuyển cho ông một tấm lụa và nói: "Đây là quà tôi gửi cho Elisabeth" rồi ôm hôn ông thắm thiết.

Sau đó, trong vai trò sứ giả ông Aubrac nhiều lần tiếp xúc với đại diện Mỹ và Việt Nam ở Paris. Tháng 8/1967, Nhà Trắng gửi cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa công hàm bày tỏ sẵn sàng ngừng ném bom miền Bắc với điều kiện "việc làm này không bị lợi dụng và đưa đến những cuộc thảo luận có kết quả".

Lần gặp năm 1967 là lần cuối cùng ông gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuy nhiên đó không phải lần cuối cùng ông đến Việt Nam. Đến nay ông đã sang Việt Nam 16 lần. Vào ngày 30/4/1975, ông cũng có mặt tại Hà Nội để chứng kiến thời khắc lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Gắn bó với Việt Nam từ năm 1946, khi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Paris, Raymond Aubrac là người đã giúp đỡ ký kết Bản thỏa thuận thương mại đầu tiên giữa Việt Nam và Pháp (năm 1955); trao đổi thông điệp giữa Hà Nội và Washington để xác định chấm dứt vô điều kiện việc Mỹ ném bom xuống Việt Nam (năm 1967); kêu gọi và góp phần làm chấm dứt ném bom xuống các đê sông Hồng (năm 1972).

Nguyễn Hưng (Theo VnExpress)
Các tin khác
Xem tin theo ngày