TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.338.766
Truy câp hiện tại 1.876
Chuyện kể dưới tán rừng thiêng (bài 2)
Ngày cập nhật 21/12/2009

Bài 2: Ngày lịch sử

Trở lại khu rừng Trần Hưng Đạo sau 65 năm kể từ khi Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời, “rừng thiêng” nay đã trở thành di tích lịch sử cách mạng với những hình ảnh tái hiện một quá khứ oai hùng: Một bức phù điêu “ngày thành lập”, một tấm bia kỉ niệm, hai dãy lán thô sơ của 34 chiến sĩ năm nào...

Như là sửa soạn mừng Xuân!

Theo tài liệu của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, để có được buổi lễ khai sinh Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân năm ấy, đã có nhiều sự chuẩn bị công phu, chu đáo. Những ngày chuẩn bị thành lập Đội, trên các nẻo đường hướng về khu rừng Trần Hưng Đạo, đã có tới 4 trạm tiếp đón các đội viên ưu tú được lựa chọn về gia nhập. Lực lượng tự vệ của các xã Kim Mã, Tam Lọng, Hoa Thám luôn có mặt dẫn đường và bảo vệ cho các đội viên về tập kết. Không chỉ có đội viên, mà còn nhiều cán bộ từ khắp nơi về dự lễ ra mắt. Mọi việc lại phải dựa vào dân ngay từ những ngày đầu. Các cán bộ địa phương như Nông Văn Lạc, Lí Đức Thương luôn nhiệt tình vận động nhân dân giúp đỡ gạo, rau, muối, giấy viết khẩu hiệu cho bộ đội. Trước đó, về vũ khí trang bị, cũng được sự giúp đỡ của các Việt kiều. Ông bà Tống Minh Phương và bà con Việt kiều ở Côn Minh gửi về một số vũ khí, gồm: 1 khẩu tiểu liên Mỹ Sub Machinegun và 150 viên đạn, 6 quả bom lửa, 1 hộp bom nổ chậm.

Về nơi ăn ở, tại khu di tích hiện nay tái hiện hai dãy lán trại nhưng thực tế lúc đó, có tới 3 dãy lán trại do cơ sở cách mạng dựng sẵn để bộ đội và cán bộ ở chuẩn bị cho ngày ra mắt. Đại tướng Hoàng Văn Thái, một trong những người tham gia Đội ngày ấy sau đã viết hồi kí kể lại không khí tưng bừng tại rừng Trần Hưng Đạo chuẩn bị cho ngày thành lập Đội: “Chỗ này năm bảy người chống khuỷu trên những cái bàn bằng phên đan đặt trên 4 cái cọc giữa đám giấy lòe loẹt đủ mọi màu của hàng mã và một ống mực đang cặm cụi viết  lia lịa những biểu ngữ, những khẩu hiệu. Trông các anh em, kẻ rọc giấy, kẻ mài mực, kẻ viết, ta có cảm tưởng ở vào một gia đình đang sửa soạn những câu đối mừng xuân”.

Ngân quỹ đầu tiên, khoản chi đầu tiên

Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Ảnh tư liệu.

Về hậu cần – tài chính, nhận thấy một trong những việc đầu tiên là đội cần có tiền để chi tiêu, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho đồng chí Vũ Anh là cán bộ tài chính của Đảng, xuất 500 đồng làm quỹ chi tiêu cho Đội.  Thời điểm ấy, Đảng ta chưa ra hoạt động công khai, 500 đồng là số tiền không nhỏ, có thể mua được hơn 7 tấn thóc. Đồng chí Lộc Văn Lùng người Tày, quê Lạng Sơn, tính tình thật thà chất phác, lại biết căn cơ  được giao quản lí số tiền 500 đồng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau này đã nhận xét về người quản lí đầu tiên như sau: “Coi trọng từng đồng xu, từng hạt gạo của công quỹ, chỉ có một nguyện vọng là được trao lại nhiệm vụ quản lí cho một đồng chí khác để trực tiếp cầm súng chiến đấu”.

Khoản chi đầu tiên của quân đội ta là để mua một cái chảo, đủ nấu cơm cho 34 người. Để tiết kiệm, anh Lùng quyết định không mua chảo mới mà vào bản người Tày mua một cái chảo cũ, dân dùng để nấu thắng cố, nhưng vẫn còn tốt. Khoản chi thứ hai của quân đội ta là mua thuốc kí ninh do lúc bấy giờ, sốt rét đang hoành hành rất dữ dội… Một chi tiết xúc động nữa là đồng chí Dương Mạc Thạch, chính trị viên đầu tiên của Đội đã phát huy vai trò đầu tàu gương mẫu khi biết Đội gặp rất nhiều khó khăn về tài chính (chỉ được cấp 500 đồng bạc Đông Dương), đồng chí đã đứng ra vận động một số người quyên góp ủng hộ và bàn bạc, vận động gia đình mình ủng hộ Đội  số tiền rất lớn, lên tới 500 đồng.

Lời thề đầu tiên

Những “dự báo” mang tính lịch sử từ ngày 22-12-1944

* “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thành lập, tuy có vẻ giản bạc, song đầy ý nghĩa thiêng liêng. Thực là một ngày lịch sử.” (Trích thư của đồng chí Khang tại buổi lễ 22-12-1944 – Theo tài liệu của đồng chí Hoàng Văn Thái viết năm 1948 - đồng chí Khang là bí danh hoạt động của đồng chí Hoàng Văn Thái).

* “Lá cờ hồng sao năm cánh, chúng ta phải nêu bay phất phới trên cột cờ Hà Nội, Sài Gòn”. (Trích diễn văn của đồng chí Lâm - một chiến sĩ trong Đội đọc tại buổi lễ ngày 22-12-1944).

* Mau phất cờ tiến tới cho kịp thời cơ/ Sông Mê Công reo hò kia đang đón chờ/ Dãy Trường Sơn vươn mình quân ta mau tiến tới/ Nêu cờ giải phóng trên vũng Cam Ranh, kinh thành Huế, trên Sài Gòn, bãi Cà Mau… (Trích lời hai bài hát của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân). 

Lán trại đã xong, người đã về đầy đủ. Núi rừng Trần Hưng Đạo hôm ấy đông vui như mở hội. Tuy nhiên, lễ ra mắt không diễn ra vào buổi sáng mà được tổ chức vào 5 giờ chiều. Không gian được chọn để làm lễ là một khoảng đất rộng, bằng phẳng, dưới những gốc cây lim, sẻ vươn mình thẳng tắp như dáng đứng của những người chiến sĩ. Cột cờ, rất độc đáo, không phải dựng mà là một cây to, tự nhiên mọc thẳng đứng, chỉ cần chặt vài cành cho đỡ um tùm. Trước cột cờ, có một “kì đài” làm bằng bốn cọc tre đóng xuống đất, có phên tre đan bên trên tạo thành một cái bàn lớn. Ngoài bìa rừng, các ngã ba đều có lực lượng canh phòng, bảo vệ buổi lễ.

- Tuýt! Tuýt! Tuýt!

Đúng 5 giờ chiều, một hồi còi dài vang lên phá tan không khí êm ả của núi rừng. Buổi lễ chính thức bắt đầu. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại: “Giữa mùa đông, khí trời nơi non cao lạnh buốt. Trong khu rừng đại ngàn với những hàng cây thẳng tắp. Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, lần đầu tiên tập họp đội ngũ chỉnh tề, dưới lá cờ sao đỏ thắm. Đại diện Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng cùng với rất đông đại biểu nhân dân Tày, Mán, Nùng của hai tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn đến tham dự, đứng thành hai hàng hai bên bộ đội. Tôi được ủy nhiệm thay mặt Đoàn thể tuyên bố thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và vạch rõ nhiệm vụ của Đội đối với Tổ quốc”. Sau lời tuyên bố của đồng chí Võ Nguyên Giáp, đại diện của Liên tỉnh ủy đọc thư chúc mừng, đại diện các tổ chức nông dân, thanh niên, phụ nữ, các đội vũ trang địa phương cũng lên chúc mừng Đội bằng những lời lẽ cảm động, đầy tin tưởng và thương yêu. Kế đó, lễ tuyên thệ của Đội diễn ra. Mười lời thề danh dự do đồng chí Võ Nguyên Giáp soạn vang lên lần lượt cùng những cánh tay vung lên đầy sắt đá. Mười lời thề đó cũng là nguồn gốc của Mười lời thề danh dự của quân nhân hiện nay… Sau này, khi trả lời phỏng vấn một nhà báo Pháp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã “bật mí”: “Tôi đã soạn lời thề danh dự gồm mười điểm, dựa theo lời thề danh dự của FFI (Forces franaises de lIntérieur, nhóm kháng chiến Pháp chống lại quân chiếm đóng Đức trong Thế chiến thứ hai) và của quân giải phóng Nam Tư”. Theo Thượng tướng Phùng Thế Tài thì điều kì diệu là 10 lời thề danh dự được đọc trang nghiêm trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ngày ấy, đã hơn nửa thế kỉ qua, vẫn là bài học quan trọng đầu tiên cho lớp chiến sĩ ngày nay. Hàng triệu, hàng chục triệu chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam khi bước vào quân ngũ đã được giáo dục bằng bài học mở đầu này và mang nó theo suốt chặng đường chiến đấu và công tác của mình. 

Có thể xem 10 lời thề danh dự của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân cách đây hơn nửa thế kỉ âm vang trong khu rừng Trần Hưng Đạo là một trong những tác phẩm quân sự nổi tiếng đầu tiên của vị giáo sư sử học Võ Nguyên Giáp.

Bữa cơm đầu tiên, buổi sinh hoạt đầu tiên

Chiều tối hôm ấy, mặc dù đồng bào mang đến nhiều quà bánh mừng Đội nhưng có một điều rất lạ là Đội chưa dùng những quà tặng nồng hậu ấy. Theo nguyện vọng của số đông anh em, Đội tổ chức một bữa cơm nhạt không rau, không muối để thể hiện tinh thần chịu đựng gian khổ của người chiến sĩ cách mạng. Đến bát ăn cũng không có, cơm được xới ra lá cây, đũa tự kiếm bằng… que rừng. Cuối cùng, để tiện lợi, ai nấy đều dùng “chiến thuật bốc”. Một bữa cơm kham khổ nhưng vui vẻ, đoàn kết khôn xiết.

Đêm hôm ấy, “bộ đội và đồng bào quây quần chung quanh ngọn lửa hồng đỏ rực giữa khu rừng đầy sương mùa đông với những trận gió heo may lạnh lẽo. Cuộc liên hoan bắt đầu trong một không khí đầm ấm và cảm động. Tất cả chiến sĩ Giải phóng quân lần lượt giới thiệu bí danh, tiểu sử của mình và phát biểu những nguyện vọng đầu tiên trong giờ phút tòng quân.Thực là một đội quân kì lạ. Không người nào là không mang một mối hận thù với đế quốc. Hoặc nhà cửa bị đốt, của cải bị tịch thu, hoặc cha anh chị em bị bắt, bị bắn, còn chính mình nếu chưa trải qua lao tù thì cũng là những kẻ đang bị truy nã, đầu treo thưởng hàng vạn đồng, hàng trăm đấu muối”- Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại.

Thêm một điều “kì lạ” trong đội quân “kì lạ” nữa, trong Đội có tới 3 đồng chí nữ, Cầm, Loan, Thanh là những đồng chí đã thoát li hoạt động bí mật từ lâu, đã có mặt trong phong trào xung phong Nam tiến, đã được thử thách qua nhiều lần khủng bố gắt gao của kẻ thù. Giữa đêm rừng mịt mù ấy mà họ đã nhìn thấy tương lai xán lạn khi mà theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cả 34 con người đều chung nguyện ước: Mong sao giết được nhiều giặc, lấy được nhiều súng Tây thay súng kíp, mong sao Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân chóng trở nên một đội quân mạnh mẽ, mong sao ngọn cờ đỏ sao vàng trong tương lai gần sẽ phấp phới bay giữa Thủ đô. Đặc biệt, một đồng chí nữ đã chúc đội một câu rất thiết thực và có ý nghĩa: “Mong sao từ giờ đến Tết, từ một trung đội sẽ lớn lên thành một đại đội và sẽ chiến thắng trở về ăn Tết vui vẻ với nhân dân Hưng Đạo và Hoa Thám”.

Chưa hết mùa đông, nhưng họ đã nghĩ tới mà mong đợi một mùa xuân chiến thắng…

NGUYỄN VĂN MINH

Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân
Các tin khác
Xem tin theo ngày