TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.305.796
Truy câp hiện tại 1.339
Học và hành theo tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá cầm quyền
Ngày cập nhật 23/08/2011

Nói văn hóa cầm quyền là nói tới cái đẹp, cái giá trị của Đảng cầm quyền, của Chính phủ và cá nhân nhà lãnh đạo, quản lý. Văn hóa cầm quyền là nguồn lực nội sinh vô tận, to lớn của Đảng và hệ thống chính trị, chìa khóa sự phát triển của Đảng, Nhà nước, thấm sâu và tạo dấu ấn khai sáng trong quá trình phát triển của Đảng, Nhà nước.

Hồ Chí Minh nói “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Trong Di chúc, Người lại viết: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng”... Đó là tư tưởng, tinh thần Hồ Chí Minh về văn hóa cầm quyền. Văn hóa cầm quyền bàn tới ở đây là nói tới văn hóa lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam khi Đảng đã trở thành Đảng cầm quyền. Đương nhiên, khi nói tới đảng cầm quyền thì không thể không nói tới chính quyền Nhà nước mà trực tiếp là Chính phủ, cơ quan hành pháp với ý nghĩa “kéo dài” sự lãnh đạo của Đảng. Theo tinh thần của Lênin, khi Đảng trở thành Đảng cầm quyền thì văn hóa của đảng phải tương đối khác so với khi Đảng chưa cầm quyền. Văn hóa cầm quyền là biến lý luận thành thực tiễn, thông qua tổ chức, xây dựng, thể hiện mối quan hệ giữa Đảng với các thành tố trong hệ thống chính trị; đạo đức của đảng cầm quyền; văn hóa ứng xử của Đảng, Chính phủ với nhân dân và văn hóa dùng người.

1. Văn hóa cầm quyền - nguồn lực nội sinh vô tận, chìa khóa sự phát triển của Đảng
Nói văn hóa cầm quyền là nói tới cái đẹp, cái giá trị của Đảng cầm quyền, của Chính phủ và cá nhân nhà lãnh đạo, quản lý. Văn hóa cầm quyền là nguồn lực nội sinh vô tận, to lớn của Đảng và hệ thống chính trị, chìa khóa sự phát triển của Đảng, Nhà nước, thấm sâu và tạo dấu ấn khai sáng trong quá trình phát triển của Đảng, Nhà nước. Hồ Chí Minh nói “Văn hóa không thể đứng ngoài mà đứng trong kinh tế và chính trị”, điều đó có nghĩa là tổ chức chính trị, hoạt động chính trị, đảng chính trị và cá nhân nhà chính trị phải thấm nhuần văn hóa. Năng lực chính trị thực chất và cốt tủy là năng lực văn hóa.
Văn hóa cầm quyền thuộc dòng văn hóa chính trị. Trong những năm gần đây, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, trong khi khẳng định sự phát triển của xã hội dựa trên thế của “kiềng ba chân”: gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt và phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội”, Đảng ta “đặc biệt coi trọng nâng cao văn hóa lãnh đạo, quản lý”(1), “Nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền”(2). Nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng, năng lực quản lý của Nhà nước thực chất sâu xa và cốt tủy là nâng cao văn hóa cầm quyền của Đảng và văn hóa quản lý của Nhà nước; đồng thời nâng cao văn hóa lãnh đạo, quản lý của từng cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.
Trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta kiên trì mục tiêu vì dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Muốn thực hiện được mục tiêu đó, trước hết Đảng phải đề ra được một cương lĩnh cách mạng xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với xu thế vận động của thời đại. Điểm chung của thực tiễn Việt Nam từ xưa đến nay là văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam. Đó là một thực tiễn hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước với sự đắp bồi nhiều giá trị tinh thần truyền thống Việt Nam. Những giá trị đó là nguồn lực vô tận để nhân dân Việt Nam thực hiện khát vọng ngàn đời của mình là độc lập dân tộc và sống đời hạnh phúc. Việt Nam ngày nay đang trong quá trình hội nhập vào thế giới toàn cầu hóa với bao điều mới mẻ của cách mạng khoa học và công nghệ, kinh tế tri thức, kinh tế thị trường, biến đổi môi trường... Việt Nam phải phát triển bền vững trong quỹ đạo và xu thế của thế giới là hòa bình, hợp tác, dân chủ và đa dạng văn hóa. Xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, sải bước cùng thời đại là một tiêu chí của văn hóa cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thước đo văn hóa cầm quyền của Đảng là lòng dân. Đảng cầm quyền nhưng dân là chủ. Đảng cầm quyền để dân làm chủ. Đảng cầm quyền nhưng dân là gốc. Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân; trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Bài học quý giá Hồ Chí Minh để lại cho Đảng ta ngày nay là: “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”(3).
Trong đường lối lãnh đạo và cương lĩnh của Đảng, tức là về mặt lý thuyết, Đảng đã khẳng định rõ ràng, dứt khoát tất cả mọi hoạt động của Đảng là vì hạnh phúc của nhân dân. Nhưng cái khó nhất, cũng là văn hóa cao nhất của Đảng cầm quyền lại không phải nằm ở lý luận mà phải nằm ở thực tiễn. Hành động để đem lại hiệu quả thật sự cho dân chúng từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đến “tương, cà, mắm, muối” và lấy hiệu quả đó làm thước đo mới là điều khó nhất của một đảng cầm quyền. Bác thường dạy: “Nói thì dễ, làm thì khó”. Cái khó trong khi làm không phải là khó khăn, vất vả, mệt nhọc mà cái chính là không vượt qua được chính mình để thực hiện quan điểm quần chúng. Ví dụ: “Miệng thì nói dân chủ nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng”, nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng”(4). “Làm theo lối “quan” chủ” tức là lãnh đạo thiếu văn hóa, lãnh đạo bằng quyền lực, “làm việc theo cách quan liêu. Cái gì cũng dùng mệnh lệnh. Ép dân chúng làm”(5). Làm như vậy thì dân oán. Mà “dân oán, dù tạm thời may có chút thành công, nhưng về mặt chính trị, là thất bại”(6) (người trích nhấn mạnh). Chính trị thất bại tức là không được lòng dân. Mà cái nguy hiểm nhất là mất lòng dân. Bởi vì, mất tiền và của cải thì còn làm lại được, còn đã mất lòng tin, đặc biệt là mất lòng tin của dân là mất tất cả. Nâng cao văn hóa cầm quyền là Đảng phải có sự lựa chọn sáng suốt, có tầm nhìn, trí tuệ và bản lĩnh văn hóa giữa việc lấy cái căn bản quy tụ của lòng dân và lợi ích lâu dài thay vì lợi ích và thành tích trước mắt mang mầm bệnh. Văn hóa cầm quyền là phải “sao cho được lòng dân”(7).

2. Đảng phải tôn trọng chính quyền, hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật
Nói đến Đảng cầm quyền là phải nói tới quản lý của Nhà nước. Trong văn hóa cầm quyền thì văn hóa lãnh đạo và văn hóa quản lý thâm nhập vào nhau. Giá trị, uy tín, quyền uy tạo sức mạnh của đảng cầm quyền không chỉ trong khuôn phép của Đảng mà được cân, đong, đo, đếm bằng văn hóa quản lý. Nói cách khác, văn hóa quản lý là một thước đo của văn hóa lãnh đạo của đảng cầm quyền, trong đó “Chính phủ là công bộc của dân” như Hồ Chí Minh dạy là tiêu chí hàng đầu.
Trên cơ sở nhận thức nhà nước là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng, văn hóa của đảng cầm quyền là Đảng phải tôn trọng chính quyền, tôn trọng Nhà nước. Đảng cầm quyền nhưng không thể và không được đứng trên Nhà nước, đứng trên và đứng ngoài pháp luật. Xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta xây dựng là một xã hội có nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đây là một nhận thức rất quan trọng trong cấu trúc quyền lực của hệ thống chính trị đương đại. Với nhà nước đó thì Quốc hội là cơ quan có quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia sẽ đưa ra nhân dân phúc quyết. Nhân dân có quyền bãi miễn các đại biểu Quốc hội nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”(8). “Bãi miễn các đại biểu” là tinh thần của “văn hóa từ chức” theo cách nói ngày nay. Nghĩa là, các vị đại diện khi được dân bầu - tức là dân ủy thác quyền lực-thì phải làm hết trách nhiệm “như một người lính vâng lệnh quốc dân ra trước mặt trận”; khi dân không còn tín nhiệm nữa thì phải vui vẻ từ chức theo lời dạy của Bác Hồ “khi nào đồng bào cho tôi lui thì tôi rất vui lòng lui”. Đảng cầm quyền, mọi tổ chức và cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật và tuân thủ hiến pháp và pháp luật mà không có một ngoại lệ nào. Tất cả họ phải hành xử theo đúng hiến pháp và pháp luật.
Khi Đảng trở thành đảng cầm quyền, việc giải quyết mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước là giá trị văn hóa hàng đầu, vì Đảng phải hoàn thành sứ mạng “hai vai”. Là người lãnh đạo Nhà nước, Đảng phải xứng danh lãnh đạo với một chiều sâu trí tuệ, một bề dày đạo đức, sự vững chắc về bản lĩnh chính trị và phương thức lãnh đạo trọng dân, tin dân, gần dân, hiểu dân, học dân, hỏi dân, theo đúng đường lối quần chúng. Là một thành tố của hệ thống chính trị, Đảng phải hành xử phù hợp với hiến pháp và luật pháp, không được lạm quyền, coi khinh dư luận.

3. Đảng, Chính phủ phải luôn luôn tự phê bình và hoan nghênh nhân dân phê bình mình
Đảng luôn luôn tự phê bình, hoan nghênh nhân dân và đảng viên phê bình mình. Đảng phải nâng cao dân trí, bồi dưỡng ý thức làm chủ, nâng cao tính tích cực công dân, tự do ngôn luận, khuyến khích nhân dân tham gia vào các công việc của nhà nước, khắc phục mọi thứ dân chủ hình thức.
Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”(9). Phải khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến. Nếu cán bộ không nói năng, không đề ý kiến, không phê bình, thậm chí lại tâng bốc mình, thế là một hiện tượng rất xấu. Thế là mất hết dân chủ trong Đảng. Thế là nội bộ của Đảng âm u, cán bộ trở nên những cái máy, trong lòng uất ức, không dám nói ra, do uất ức mà hóa ra oán ghét, chán nản. “Nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo “đập đi, hò đứng”, không dám phụ trách. Như thế là một việc thất bại cho Đảng”(10).
Văn hóa truyền thống, phía sau cái mạnh trọng tình, bộc lộ cái hạn chế duy tình, thiếu văn hóa tranh luận, mà thực chất là giấu giếm khuyết điểm và thích khen, không thích chê, trở thành bệnh thành tích. “Nếu ai nói chúng ta không dân chủ, thì chúng ta khó chịu. Nhưng nếu chúng ta tự xét cho kỹ, thì thật có như thế”(11). Nâng cao văn hóa của đảng cầm quyền là thể hiện một đảng văn minh như cách nói của Bác Hồ. Ngược lại, “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sữa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
Trên nền tư duy “Chính phủ là công bộc, đầy tớ của dân”, Hồ Chí Minh chỉ ra rằng “khi dân dùng đày tớ làm việc cho mình, thì phải giúp đỡ Chính phủ. Nếu chính phủ sai thì phải phê bình, phê bình nhưng không phải là chửi... Xin đồng bào hãy phê bình, giúp đỡ giám sát công việc Chính phủ”(12).
Khuyết điểm, sai lầm là xấu, là phản văn hóa, nhưng nếu nhận ra khuyết điểm, sai lầm và tìm mọi cách khắc phục, sửa chữa sai lầm, khuyết điểm thì đó là một hành vi mang giá trị văn hóa. Nhân dân chính là người mang lại giá trị văn hóa lãnh đạo, văn hóa quản lý cho Đảng và Chính phủ. Nhận thức rõ điều đó, Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở “Chính phủ mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm tròn nhiệm vụ của mình là người đầy tớ tận tụy của nhân dân”.
Tư duy Hồ Chí Minh là Đảng và Chính phủ phải luôn luôn tạo điều kiện để nhân dân phê bình mình. Bởi vì, dân chúng thông minh, sáng tạo “biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”.
“Dám nói” theo quan điểm Hồ Chí Minh là một giá trị văn hóa đỉnh cao. Chỉ có một đảng cách mạng chân chính, đạo đức, văn minh thì mới đủ trí tuệ, bản lĩnh tạo điều kiện cho dân dám nói. Và chỉ khi nào dân chúng và cán bộ đảng viên dám nói, dám phê bình, kiểm soát hoạt động của Đảng và Chính phủ thì Đảng và Chính phủ mới làm việc tốt hơn và cán bộ, viên chức các cơ quan chính phủ mới thật sự là công bộc của dân. Vì vậy, “cần phải có biện pháp khác, biện pháp nghiêm ngặt hơn, để trừng trị loại cán bộ tha hóa, biến chất. Phải gây nên một đạo đức để ngăn ngừa, gây nên một phong trào quần chúng gớm ghét, bao vây lũ giặc ấy. Biện pháp ấy là gây nên một cuộc vận động trong công nông chống tiêu cực, làm cho những kẻ “chạy” không sống còn được”(13).

4. Văn hóa cầm quyền - văn hóa dùng người
Văn hóa của đảng cầm quyền, văn hóa lãnh đạo đạo, quản lý có một nội dung căn cốt là văn hóa dùng người. Con người sáng tạo ra văn hóa và cũng là sản phẩm của văn hóa. Cán bộ là gốc của mọi công việc. Mọi việc thành hay bại đều liên quan tới cán bộ tốt hay kém.
Một trong những phương thức lãnh đạo của đảng cầm quyền là thông qua cán bộ và công tác cán bộ. Hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong công tác cán bộ, đó là nạn chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy dự án, chạy bằng cấp, chạy tuổi, chạy huân huy chương... Lại có một dạng thách thức khác, đó là năng lực, bản lĩnh, đạo đức, phương pháp công tác của cán bộ không tương xứng với vị trí, chức vụ quản lý, lãnh đạo. Một thực tế đáng buồn đang diễn ra ở những mức độ khác nhau ở tất cả các loại cán bộ, các ngành, các cấp, các địa phương là có một loại cán bộ không chịu rèn đức, luyện tài mà chỉ rèn “công nghệ” xu nịnh, luồn cúi, a dua, “đi nhẹ, nói khẽ, hay cười và chạy...”, “thấy xôi nói xôi ngọt, thấy thịt nói thịt bùi”, theo gió bẻ buồm, không có khí khái. Còn một bộ phận thuộc loại cán bộ được Đảng, Nhà nước giao cho trọng trách làm công tác cán bộ lại thích người chạy và kẻ khéo nịnh hót mình, ghét người chính trực. Nhưng nguy hiểm nhất là những cái đó đang dần dần có xu hướng trở thành “giá trị” trong cơ cấu quyền lực của hệ thống chính trị, của xã hội và được một bộ phận xã hội đồng tình, chưa bị sức mạnh văn hóa, đạo đức của xã hội, của nhân dân đánh bại. Những ai chỉ chăm chú rèn đức, luyện tài, phát biểu trung thực thẳng thắn, vì sự thật thà đoàn kết và phát triển của đơn vị mà lại thiếu những “tố chất chạy”, lại thường bị coi là những người “xa lạ”, không thức thời. Nói tóm lại, một nguy cơ lớn là sự đảo lộn giá trị. Một đơn vị mà đa số cán bộ thuộc loại kém và trung bình, mang tư tưởng “dĩ hòa vi quý, chín bỏ làm mười”, còn thiểu số là tích cực, trung thực, thẳng thắn, thật sự tu dưỡng hồng, chuyên thì nguyên tắc “thiểu số phục tùng đa số” sẽ không mang lại kết quả tích cực như mong muốn.
Trước tình trạng đó, một đảng độc quyền lãnh đạo, nếu không có trí tuệ, tầm nhìn và bản lĩnh văn hóa trong việc dùng người thì nhất định thất bại. Đảng phải tìm thấy giá trị trong các mối quan hệ giữa người già và người trẻ; người trong Đảng và người ngoài Đảng; người có bằng cấp và không có bằng cấp, doanh nhân và trí thức, nhà lãnh đạo, quản lý và nhà khoa học... Trí tuệ văn hóa thể hiện bản lĩnh văn hóa của đảng cầm quyền là phải thấy thanh niên là người chủ tương lai của đất nước, thế hệ mới chắc chắn sẽ vượt thế hệ cũ (và có như thế thì đất nước và dân tộc mới có phúc). Có nhiều người không có bằng cấp nhưng có tài, có đức, cần phát hiện, trọng dụng và có chế độ đãi ngộ xứng đáng. Không phải đã lãnh đạo, quản lý là giỏi. Một người lãnh đạo, quản lý mất đi có người thay thế được ngay, còn một nhà khoa học, thật sự khoa học (đầu ngành hay chuyên ngành) mất đi, rất khó tìm người thay thế (thậm chí không có được người thay thế). Trong Đảng cũng có những người kém, người xấu. Hồ Chí Minh dạy: “Đảng ta không phải trên trời sa xuống. Nó ở trong xã hội mà ra. Vì vậy, tuy nói chung, thì đảng viên phần nhiều là những phần tử tốt, nhưng vẫn có một số chưa bỏ hết những thói xấu tự tư tự lợi, kiêu ngạo, xa hoa... Trong Đảng ta chưa hoàn toàn tránh khỏi một vài kẻ vu vơ, những việc không chính đáng”(14). Vì vậy, văn hóa của đảng cầm quyền là đủ khả năng phân định có chất lượng khoa học và cách mạng một cách rõ ràng thật - giả, vàng - thau, tốt - xấu, đúng - sai... Đảng không chọn được những người có đức, có tài, quyết tâm, suốt đời, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân thì đó là thất bại cho Đảng, cũng là thất bại cho cách mạng.

5. Phải thật sự thấm nhuần văn hóa đạo đức
Trong điều kiện cầm quyền, cùng với việc Đảng xây dựng đường lối khoa học, đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng. Nếu học và hành theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không tốt thì đó là nguy cơ lớn của Đảng. Cuộc vận động xây dựng Đảng về đạo đức trong những năm qua chưa đạt yêu cầu đặt ra. “Có những tổ chức đảng tê liệt, mất sức chiến đấu... Bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân trong một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng gia tăng; vẫn còn tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy tội”, “chạy bằng cấp”. Thoái hóa biến chất về chính trị, tư tưởng, về đạo đức, lối sống; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài chưa được ngăn chặn, đẩy lùi..., làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Đó là một nguy cơ lớn liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ(15). Như vậy là rất rõ ràng. Nếu Đảng cầm quyền thiếu văn hóa đạo đức thì Đảng sẽ mất lòng tin của dân, sẽ cô độc. Mà “cô độc thì nhất định thất bại”(16).
...Mấu chốt là ở chỗ, “Đảng có vững cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy” như Hồ Chí Minh đã dạy. Văn hóa chính trị mà cốt lõi là văn hóa cầm quyền sẽ thật sự đem lại cho Đảng những tố chất trong sạch, vững mạnh. “Đảng vững” theo tư tưởng Hồ Chí Minh là Đảng đạo đức, văn minh. Tăng cường xây dựng văn hóa cầm quyền, văn hóa lãnh đạo- quản lý là xây dựng năng lực, trí tuệ, đạo đức, bản lĩnh, phương pháp, phong cách của Đảng, Chính phủ, của đảng viên, cán bộ, nhất là người đứng đầu.
Người Trung Quốc quan niệm cầm quyền là sự nghiệp, ý nghĩa của sự nghiệp là cống hiến. Cầm quyền là khoa học, giá trị của khoa học là ở cầu sự chân thực. Cầm quyền là nghệ thuật, sức sống của nghệ thuật là ở sáng tạo. Cầm quyền là thách thức, mấu chốt của ứng đối là ở bản thân. Nếu nói rằng, địa vị cầm quyền của Đảng không phải sinh ra đã có thì chúng ta cũng có thể nói rằng, địa vị cầm quyền của Đảng luôn đi cùng với sự cống hiến và hy sinh. Nếu nói rằng, địa vị cầm quyền của Đảng không phải có rồi sẽ tồn tại mãi mãi, thì cũng có thể khẳng định rằng, chỉ cần Đảng một lòng vì công thì Đảng có thể đứng vững lâu dài; chỉ cần Đảng một lòng vì dân thì Đảng có thể cầm quyền tốt đẹp; chỉ cần Đảng kiên trì tôn chỉ và tính chất của mình, không ngừng tăng cường xây dựng mình, thì Đảng có thể vĩnh viễn đứng ở vị trí chiến thắng (17)./.

-----------------

(1), (15) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H, 2006, tr.213, 263-264.
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Sđd, tr.279.
(3), (5), (6), (8), (10), (11), (12), (14), (16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 1995, t.5, tr.293, 293,293, 61, 281, 243, 60-61, 238.
(4), (13) Sđd, t.6, tr.292, 501
(7) Sđd, t.4, tr.47.
(9)Sđd, t.12, tr.223.
(17) Xem Tôn Chí Cương: Suy nghĩ về tăng cường xây dựng năng lực cầm quyền của Đảng, trong Những vấn đề chính trị- xã hội, Học viện CTQG Hồ Chí Minh, số 13, 2006, tr.1-13.

PGS.TS Bùi Đình Phong (Nguồn: Tạp chí Ban Tuyên giáo)
Các tin khác
Xem tin theo ngày