TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.298.033
Truy câp hiện tại 179
“Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” để thực hiện “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”
Ngày cập nhật 02/02/2012

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, người cán bộ, đảng viên muốn xứng đáng với vai trò tiền phong, được nhân dân tin yêu và kính phục, thì phải thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, phòng, chống và đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, chống lại sự suy thoái về đạo đức và lối sống bằng phương thuốc đặc trị - đó là “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.

1. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một mẫu mực của tấm gương đạo đức cách mạng “tận trung với nước, tận hiếu với dân”. Quyết tâm và dũng khí đấu tranh của Người xuất phát từ tấm lòng yêu mến nhân dân, “sức mạnh và uy tín to lớn của Người cũng bắt nguồn từ sự giúp đỡ và ủng hộ của nhân dân”[1] và “điều mà Người đã truyền bá, đó cũng là hình ảnh một con người mới, vì mọi người mà phục vụ; điều mà Người khắc sâu trong cả một dân tộc, đó là nền đạo đức trong sáng, một nền đạo đức cao quý mà không có nó thì mọi cuộc cách mạng đều sẽ không thành”[2].

Đặc biệt quan tâm đến vấn đề rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và sự nêu gương của những người cách mạng, không chỉ nói về đạo đức cách mạng, yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thường xuyên phấn đấu rèn luyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta còn luôn gương mẫu thực hành đạo dức cách mạng, thống nhất nguyên tắc “nói đi đôi với làm”. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, người cán bộ, đảng viên muốn xứng đáng với vai trò tiền phong, được nhân dân tin yêu và kính phục, thì phải thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, phòng, chống và đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, chống lại sự suy thoái về đạo đức và lối sống bằng phương thuốc đặc trị - đó là “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.

Mùa xuân năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (Báo Nhân dân đăng ngày 3-2-1969, số 5409), chào mừng 39 năm ngày thành lập Đảng. Trong tác phẩm này, khi khẳng định về Đảng cầm quyền trong sạch vững mạnh “là đạo đức, là văn minh”, là hiện thân của “danh dự và lương tâm của dân tộc”, Người viết: "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau"[3]. Thực tiễn cho thấy, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thực hiện thống nhất nước nhà, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng đã không ngừng phấn đấu, sẵn sàng hy sinh tất cả vì thắng lợi của cách mạng, vì độc lập, tự do và hạnh phúc của nhân dân. Trên mọi lĩnh vực sản xuất, chiến đấu, nghiên cứu khoa học, v.v.. cán bộ, đảng viên đặc biệt là đội ngũ cán bộ chủ chốt, lãnh đạo đã gương mẫu đi đầu, trở thành mực thước cho nhân dân noi theo. Những người con ưu tú đó của dân tộc và của Đảng đã thấm nhuần “tư cách người cách mạng”, nên “nhân dân ta và Đảng ta rất tự hào vì có những người con xứng đáng như thế"[4].

Tuy nhiên, trong những năm tháng cả nước cùng đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược đó, “tâm lý thời bình”, bệnh “ham danh lợi”, cùng những tệ nạn vốn là con đẻ của chủ nghĩa cá nhân đã trở thành kẻ địch thứ ba luôn ẩn náu trong mỗi con người, là đồng minh của hai kẻ địch (chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc là kẻ thù số một nguy hiểm; thói quen cố hữu là kẻ địch to thứ hai), đang làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng. Vì thế, trong tác phẩm này, Người nói: vì cá nhân chủ nghĩa mà không ít người mang trong mình những căn bệnh, những thói hư, tật xấu, “không lo mình vì mọi người" mà chỉ muốn "mọi người vì mình"; “ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hoá, lãng phí, xa hoa”; “tham danh trục lợi”; “tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán chuyên quyền”,“xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh” mà trở thành xa lạ với nhân dân; “không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu khó học tập để tiến bộ”[5] nên trở thành người “thoái bộ”. Họ không thích tự phê bình và phê bình, sợ mất thể diện trước quần chúng, nên phạm nhiều sai lầm, khuyết điểm.

Những tệ nạn nghiêm trọng này, một mặt, làm rạn nứt khối đại đoàn kết thống nhất trong Đảng, làm giảm đi nguồn sức mạnh của Đảng, tlàm mất đi tính tiền phong của đội ngũ cán bộ đảng viên và đe dọa sự tồn vong của một Đảng cầm quyền. Mặt khác, cho thấy nhiệm vụ cấp bách và thường xuyên “phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên”[6] trên tinh thần “phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng” và “phải hoan nghênh khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên”. Không chỉ nhấn mạnh, coi tự phê bình và phê bình là phương thuốc đặc hiệu để chữa bệnh “cá nhân chủ nghĩa”, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đồng thời khẳng định rằng: tự phê bình và phê bình một cách chân thành trên cơ sở của tình đồng chí thương yêu lẫn nhau theo một “chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc. Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ”[7] là những yêu cầu bắt buộc để một Đảng Mácxít luôn trong sạch, vững mạnh.

Luôn lo lắng và quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, bận tâm và trăn trở về nhiệm vụ trọng yếu này, mùa xuân cuối cùng cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã để lại một di huấn thiêng liêng cho toàn thể cán bộ, đảng viên của Đảng, đó là tác phẩm "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Hàm ý sâu sắc trong di huấn của Người là Đảng không chỉ thực hiện tuyên truyền về đạo đức cách mạng chung chung không thôi, mà Đảng thường xuyên “phải bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật” cho cán bộ, đảng viên nhất là đội ngũ lãnh đạo chủ chốt. Vì rằng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh, Đảng không chỉ lãnh đạo sự nghiệp cách mạng bằng đường lối, chủ trương đúng, Đảng còn lãnh đạo cách mạng bằng sự mực thước và nêu gương của đội ngũ cán bộ đảng viên của Đảng. Cho nên, trong mọi hoàn cảnh, thì, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, hướng lòng mình đến chí công vô tư là “một cách tốt nhất để xây dựng Đảng”, thiết thực làm cho Đảng xứng đáng là đội tiền phong của giai cấp và dân tộc.

2. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ: vì sa vào chủ nghĩa cá nhân nên một số cán bộ, đảng viên đã thoái hóa, biến chất, kéo bè kéo cánh, vi phạm kỷ luật Đảng,v.v.. gây mất đoàn kết trong Đảng, từ đó làm giảm sút niềm tin của nhân dân với Đảng. Và 43 năm sau khi Người viết tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, trong bối cảnh đổi mới và hội nhập, tình trạng “cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở một số nơi chưa đến nơi đến chốn, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, nói không đi đôi với làm, hoặc làm chiếu lệ...” đã ngày càng trở nên trầm trọng.

Nhất là khi “công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”; khi “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”, thì rất kịp thời và "đặc hiệu", Nghị quyết số 12-NQ/TW - Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã ra đời vào mùa xuân năm 2012.

Từ những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn trong tác phẩm này và từ nội dung của Nghị quyết cho thấy, trong bối cảnh mới, những vấn đề quan trọng: “Học tập chủ nghĩa, dùi mài tư tưởng, nâng cao lý luận, chỉnh đốn tổ chức - là những việc cần kíp của Đảng”[8] càng trở nên có ý nghĩa thời sự. Theo đó, để Nghị quyết số 12 đi vào cuộc sống, thì một nhiệm vụ vừa xuyên suốt và cấp bách cần phải thực hiện là phải “kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng”.

Để Đảng Cộng sản Việt Nam phát huy được sức mạnh nội lực của trí tuệ và đạo đức, ngày một trưởng thành và vững mạnh, hoàn thành nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân giao phó; để cán bộ, đảng viên thực sự là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân thì mỗi người phải không ngừng học tập, thực hiện việc rèn luyện theo 4 nguyên tắc đạo đức cách mạng, làm theo tấm gương của Bác Hồ - tấm gương của một người luôn xa lạ với mọi thứ chủ nghĩa cá nhân. Đó là, cùng với việc phải luôn Nói đi đôi với làm, “cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ”[9]; “đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân”, cán bộ, đảng viên- nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chủ chốt phải thấm nhuần, thực hiện sự Nêu gương về đạo đức. một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền, nên “lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng”. Trong quá trình triển khai thực hiện, chú trọng giải pháp Xây đi đôi với chống, kết hợp giữa Xây và chống, để đồng thời với việc xây dựng và thực hiện những chuẩn mực đạo đức cách mạng là việc kiên quyết phòng chống và đấu tranh chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, nhằm vừa nhân rộng cái tốt, vừa phê phán, loại bỏ dần cái xấu. Và để mỗi người thật “ít lòng ham muốn về vật chất”, thực hiện cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, đời tư trong sáng, thì nhất định Phải tu dưỡng suốt đời. Vì nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh thì “trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, có đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.

Làm tốt theo 4 nguyên tắc Người từng chỉ rõ này và “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, né tránh” theo tinh thần của Nghị quyết số 12, trong toàn Đảng phải thực hiện nghiêm túc “nguyên tắc tập trung dân chủ” để Đảng ta luôn thống nhất trong tư tưởng, ý chí và hành động; phải nghiêm khắc và chân thành “tự phê bình và phê bình” - “cốt để đoàn kết và thống nhất nội bộ”. Quan trọng nhất, cần thiết nhất, phải làm thật tốt, thật hiệu quả “công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống” của cán bộ, đảng viên nói chung và “nêu gương những việc làm đúng, gương người tốt” của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ chủ chốt nói riêng, để “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh, thì nhất định sẽ góp phần ngăn chặn và xóa đi “môi trường để chủ nghĩa cá nhân vụ lợi, thực dụng phát triển”; để mỗi cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần “công bình, chính trực” khi thực hiện chức trách người "công bộc" của nhân dân; gần gũi, lắng nghe và gắn bó mật thiết hơn với nhân dân – “xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”./.

 

 


[1] Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb.KHXH, H,1990, tr.120.

[2], Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, H,1971, , t.III, tr.90

[3][4][5][6][7][9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 1996, t.12, tr.438, 438, 438-439, 439,439 439,

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập,Sđd, t. 6, tr.167

TS. Văn Thị Thanh Mai (Nguồn: TC Ban Tuyên giáo)
Các tin khác
Xem tin theo ngày