TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.296.442
Truy câp hiện tại 101
Để giữ vững những nguyên tắc xây dựng đạo đức của Hồ Chí Minh
Ngày cập nhật 09/03/2009

Khi chăm lo xây dựng nền đạo đức mới, bên cạnh việc đề ra những chuẩn mực làm tiêu chí để mỗi người, mỗi tổ chức rèn luyện, phấn đấu và hành động, Hồ Chí Minh cũng đưa ra những nguyên tắc cơ bản định hướng cho sự lãnh đạo của Đảng, quá trình tu dưỡng, hành động của mỗi người. Nhận thức đúng, đầy đủ, sâu sắc những nguyên tắc đó và làm theo nó là đòi hỏi của Đảng, nhân dân, đồng thời là tiêu chuẩn cần và đủ của cán bộ, đảng viên.

Về những nguyên tắc

Ở Hồ Chí Minh, giữa những phẩm chất trong các chuẩn mực đạo đức với những nguyên tắc để xây dựng nên nó một cách bền vững có mối quan hệ biện chứng. Muốn đạt được những chuẩn mực đạo đức cao đẹp, khi tu dưỡng, rèn luyện và thực hành trong cuộc sống thường nhật, nhất thiết phải tuân thủ những nguyên tắc bất di bất dịch mà Người đã đề ra. Ngược lại, khi thực hành theo các nguyên tắc đạo đức mà Hồ Chí Minh đề ra là đã đảm bảo cho sự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức đạt kết quả tốt đẹp. Sẽ không có bất cứ phẩm chất tốt đẹp nào trở thành nhân cách, lẽ sống của mỗi người nếu không kiên trì, bền bỉ rèn luyện trên cơ sở những nguyên tắc đúng đắn đã đề ra. Giữ vững được những nguyên tắc trong rèn luyện và ứng xử đạo đức đòi hỏi phải có những phẩm chất đạo đức nhất định. Bởi, mỗi ứng xử thể hiện đạo đức cao đẹp đều đòi hỏi sự hy sinh cá nhân, biết đặt lợi ích chung của mọi người lên trên lợi ích riêng mình, phải “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, “khổ trước thiên hạ, sướng sau thiên hạ”. Nếu không biết triệt tiêu chủ nghĩa cá nhân, nhiều ít vốn có trong mỗi con người, là bệnh mẹ đẻ ra trăm thứ bệnh khác, thì sẽ bị chính chủ nghĩa cá nhân chi phối, và đương nhiên không thể giữ vững được những nguyên tắc đạo đức, tất yếu dẫn tới những hành vi thiếu đạo đức. Để xây dựng được những nội đung đạo đức mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh, các nhà khoa học cũng đã rút ra ba nguyên tắc theo tư tưởng của Người:

Nguyên tắc nói đi đôi với làm, phải nêu gương đạo đức trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh có cơ chế thật giản dị: mỗi người, trước hết là cán bộ đảng viên, quyền càng cao, chức càng trọng càng phải tự mình nêu gương nói trước, nói đúng những điều có nội dung đạo đức để trước hết là tự mình và sau đó làm cho nó lan tỏa, thấm sâu vào cộng đồng cùng nhận thức, rồi tự mình phải làm đúng và làm trước để nêu gương cho mọi người cùng làm. Tất nhiên, thực hành, làm theo nó không dễ dàng chút nào.

Cuộc đời cách mạng Hồ Chí Minh là mực thước, mẫu hình cho nguyên tắc nói đi đôi với làm, phải nêu gương đạo đức. Ngay từ khi còn là một thanh niên bình thường, trước cảnh nước mất, nhà tan, Người nói tôi muốn ra ngoài xem nước Pháp và các nước họ làm ăn thế nào rồi trở về giúp đồng bào giải phóng dân tộc. Lăn lộn khắp chân trời, góc biển, ra tù vào tội, vượt qua muôn vàn gian khổ, thiếu thốn cả vật chất và tinh thần, để rồi, Người cùng với toàn Đảng, toàn dân ta đã làm trong thực tế cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đi tới thắng lợi hoàn toàn. Chính Người đã nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của nhân dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo – là vì mục đích đó”(1). Trước lúc đi xa, Người còn viết trong Di chúc: “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Ở Hồ Chí Minh thống nhất giữa nói với làm và nêu gương đạo đức từ việc lớn đến việc nhỏ, giữa đời công và đời tư, giữa vĩ nhân và người bình thường, giữa đạo đức cách mạng với đạo đức hàng ngày.

Hồ Chí Minh đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Ngay sau khi trở thành Đảng cầm quyền, Bác đã kiên trì đấu tranh chống lại nguy cơ tha hóa, biến chất của Đảng. Người đã lưu ý: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”(2). “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(3). Hồ Chí Minh đã đề cao đạo đức nêu gương của Lê-nin: “Không phải chỉ thiên tài của Người, mà chính là tính coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị, tóm lại là đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy, đã ảnh hưởng lớn lao tới các dân tộc châu Á và đã khiến cho trái tim của họ hướng về Người không gì ngăn cản nổi”(4).

Rõ ràng, muốn nhân dân theo Đảng xây dựng đất nước giàu mạnh, đi tới văn minh, thì đảng viên, cán bộ phải bằng tấm gương sống và hành động của mình để thu phục, cảm hóa họ. Củng cố hay làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào chủ nghĩa xã hội không không phải ở những sai lầm và thất bại tạm thời khó tránh khỏi trên con đường mới khai phá mà chủ yếu lại là ở sự sa sút, thoái hóa của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.

Nguyên tắc xây đi đôi với chống trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh xuất phát từ quan điểm rất biện chứng: đạo đức cách mạng không tự nhiên mà có; nó không từ trên trời sa xuống, mà là kết quả của quá trình rèn luyện công phu của mỗi người; qua giáo dục, bồi dưỡng, vun đắp của xã hội mới thành. Trong đời sống, những hành vi đúng-sai, tốt-xấu, cái đạo đức, cái vô đạo đức... đan xen nhau, do vậy, muốn xây phải chống, chống để xây, xây để đạo đức mới chiến thắng.

Muốn thực hiện được nguyên tắc này, theo Hồ Chí Minh phải có cơ chế của nó, trong đó công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức mới phải từ trong nhà ra ngoài xã hội. Nội dung đạo đức mới phải được cụ thể hóa, được cộng đồng chấp nhận, tuân theo, trở thành nếp sống, phong tục, tập quán tốt đẹp, tạo thành dư luận xã hội, pháp luật của nhà nước, nội quy, quy chế của từng đơn vị, tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư để mọi người làm theo. Đồng thời phải kiểm tra, giám sát, đánh giá, thưởng phạt nghiêm minh để uốn nắm những lệch lạc, biểu dương, khen thưởng những tấm gương điển hình. Làm thế nào để mọi người thấy được việc sống có đạo đức là việc làm “sung sướng, vẻ vang nhất trên đời này”.

Việc chống phải trên cơ sở luật pháp, thuần phong mỹ tục, và cái tâm trong sáng mang mục đích xây dựng của người chống. Dứt khoát chống không phải là “bới lông tìm vết”, là để đánh chết chủ thể của cái sai, là hạ bệ nhau. Điều quan trọng là phải phát hiện sớm, tìm đến cội rễ của cái sai, cái xấu, hướng mọi người cùng vào cuộc đấu tranh cho sự trong sạch, lành mạnh về đạo đức, hơn thế cần phải thấy trước những gì có thể xảy ra để đề phòng, ngăn chặn.

Nguyên tắc tu dưỡng đạo đức suốt đời mà Hồ Chí Minh đề ra, xuất phát từ căn cứ chính là trong suốt cuộc đời mỗi con người khi nào cũng được đặt trong tổng hòa các quan hệ. Như vậy, việc tu dưỡng đạo đức không khi nào được kết thúc trong cuộc đời con người. Cuộc đời người cách mạng cũng thế. Cách mạng là sự nghiệp lâu dài, nên “đạo đức cách mạng, là suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng”. Theo Hồ Chí Minh, đã là người thì ai cũng có chỗ hay, chỗ dở, chỗ xấu, chỗ tốt, ai cũng có thiện, có ác ở trong bản thân mình. Không lúc nào được ngừng tu dưỡng, rèn luyện. Hôm qua có thể đã có nhiều hành vi tốt, được công chúng thừa nhận, kính trọng nhưng nếu hôm nay thỏa mãn, thiếu tu dưỡng nên lòng không còn trong sáng, hành vi không còn vì dân, vì nước nữa thì đạo đức đã tha hóa. Đạo đức không phải là dạng vật chất nhất thành bất biến, có rồi là không thay đổi, mà nó là sản phẩm của tư duy, của lương tâm, trách nhiệm tồn tại trong mỗi con người và luôn có thể thay đổi theo (hoặc trong) những hoàn cảnh khác nhau. Do vậy, tu dưỡng, rèn luyên để đạo đức ngày một tốt hơn, hoàn thiện hơn là công việc suốt đời của mỗi con người. Ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức là đã chuyển sang tha hóa, biến chất, và đang tiến gần đến cái sai, cái xấu, cái ác.

Thực hành những nguyên tắc xây dựng đạo đức mới Hồ Chí Minh trong điều kiện hiện nay

Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay, trước những tác động nhiều chiều, với những cám dỗ, lôi kéo kích thích chủ nghĩa cá nhân trỗi dậy, tấn công đạo đức ngay trong mỗi con người, thì việc làm thế nào để giữ vững những nguyên tắc đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên, nhân dân ta đang là vấn đề lớn, hệ trọng cần nghiêm túc tìm ra những giải pháp hữu hiệu.

Làm theo nguyên tắc “Nói phải đi đôi với làm”

Đạo đức dấn thân Hồ Chí Minh nói là để làm, nếu làm việc gì cũng không có hiệu quả thì không được coi là người có đạo đức. Người nói: “Phải lấy kết quả thiết thực đã góp sức bao nhiêu cho sản xuất và lãnh đạo sản xuất mà đo ý chí cách mạng của mình. Hãy kiên quyết chống bệnh nói suông, thói phô trương hình thức, lối làm việc không nhằm mục đích nâng cao sản xuất”(5). Đối với cán bộ, đảng viên và rộng ra là nhân dân ta hiện nay, nói gì và làm như thế nào để nói đi đôi với làm?

Trước hết là nói và làm theo nghị quyết của Đảng. Nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam là kết tinh trí tuệ, ý nguyện của toàn Đảng, toàn dân ta, đối tượng phục vụ tối thượng của nó là Tổ quốc và nhân dân. Các nghị quyết của Đảng dù là về lĩnh vực nào cũng đều thống nhất và hướng tới mục tiêu cao cả là phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đó là cái Đảng ta nói bằng các chủ trương, đường lối trong các nghị quyết, chỉ thị. Để những mục tiêu đã được Đảng nói trở thành hiện thực thì việc làm trước tiên của Đảng là tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, nghị quyết của Đảng, tạo nên nhận thức đúng, sâu sắc nó trong toàn xã hội, trong đó, cán bộ, đảng viên phải là những người am tường nhất để mình làm và hướng dẫn toàn dân thực hành. Nói và làm theo nghị quyết một cách sáng tạo chính là phẩm chất đạo đức đầu tiên của mỗi cán bộ đảng viên hiện nay. Do vậy, việc triển khai học tập, nghiên cứu các nghị quyết của Đảng phải được các cấp ủy từ Trung ương tới cơ sở tổ chức một cách nghiêm túc, có hiệu quả, thiết thực. Những gì đã được đề ra trong các nghị quyết của Đảng phải được Nhà nước nhanh chóng cụ thể hóa thành chính sách, tạo nên cơ chế, hành lang pháp lý để toàn xã hội thực hiện. Nghị quyết của Đảng ban hành, Nhà nước tổ chức thực hiện, Đảng, Nhà nước phải thường xuyên kiểm tra, giám sát một cách có tổ chức, nghiêm túc, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có chức năng giám sát theo quy định của Đảng, với nhiều kênh thông tin, định kỳ tổng kết, đánh giá rút ra những bài học, có quy kết trách nhiệm cụ thể. Tuyệt đối tránh tình trạng nghị quyết nhiều mà triển khai thực hiện không đồng bộ, chậm trễ hoặc bỏ đấy. Tất cả các nghị quyết của tổ chức đảng các cấp cần phải được tiến hành nghiêm túc theo quy trình đó.

Thứ hai là nói đạo đức và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh. Trước hết, Đảng và nhân dân ta đòi hỏi sự tự giác của cán bộ, đảng viên nói phải đi đôi với làm. Đồng thời, chúng ta đang triển khai học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cho nên, đối với cán bộ, đảng viên việc làm theo những chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh phải được chế định bằng những quy định cụ thể ở mỗi tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể...trên cơ sở đó giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện hàng tháng, quý, năm đối với từng cán bộ, đảng viên đơn vị. Bên cạnh việc giám sát, đánh giá quá trình thực hành theo những chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh đối với cán bộ, đảng viên thì những quy định, chế tài của Đảng, Nhà nước phải đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải tự mình trả lời thường xuyên và trung thực các câu hỏi: mình có tham ô, lãng phí, quan liêu không? Có lợi dụng chức, quyền để trục lợi, nhận hối lộ khi thi hành công vụ? Có lợi dụng sơ hở của cơ chế, chính sách để lách luật vụ lợi, hoặc dung túng cho những người thân, quen lợi dụng chức, quyền của mình để làm ăn phi pháp không?...Trên cơ sở đó nhân dân, tổ chức phản biện, đối thoại một cách công khai để tìm đến sự thật. Đó là phương cách hiệu quả để đánh giá việc thực hành nói và làm của cán bộ, đảng viên.

Làm theo nguyên tắc “xây đi đôi với chống”

Trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, chăm lo việc xây dựng đạo đức mới chính là xây, tích cực chống những biểu hiện trái với đạo đức mới chính là chống.

Để làm theo việc xây và chống có hiệu quả, theo chúng tôi, cần tập trung vào ba vấn đề sau:

Một là, Đảng, Nhà nước sớm ban hành Pháp lệnh hoặc Luật đạo đức cán bộ, công chức làm khuôn thước để đảng viên, cán bộ, công chức phấn đấu, rèn luyện. Việc làm này là thiết thực xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Rất nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực đều có luật đạo đức công chức, hoặc luật đạo đức công vụ, nghị định, quy định về đạo đức công tác... Sự liêm khiết của đội ngũ công chức trong bộ máy nhà nước Xin-ga-po được bắt nguồn từ Luật đạo đức công vụ của nước này rất cứng rắn, cụ thể và được thi hành nghiêm chỉnh. Ví dụ một trong nhiều nội dung của Luật này quy định: Không một công chức nào được phép, trừ khi đã nghỉ hưu, được nhận quà hay nhận lời mời chiêu đãi của công chức dưới quyền. Nếu công chức ở trong hoàn cảnh không thể từ chối thì phải chuyển món quà đó cho kế toán trưởng định giá, và sẽ nhận lại món quà đó, sau khi đã trả cho kế toán trưởng số tiền tương ứng với giá trị của món quà. Không một công chức nào được vay tiền của công quỹ, của người dưới quyền, người có quan hệ công tác xét trên mọi phương diện...

Hai là, mỗi cán bộ, đảng viên phải có chương trình, kể hoạch về công tác xây và chống cụ thể trên cương vị công tác và nhiệm vụ được giao. Cuối năm, hoặc định kỳ được kiểm điểm, đánh giá đạo đức cán bộ, đảng viên trên cơ sở chương trình, kế hoạch này.

Ba là, phải có quy chế thật cụ thể quy định trách nhiệm liên đới của cán bộ, đảng viên trong mọi tổ chức, đơn vị nơi họ công tác trước những sai phạm của cá nhân, người lãnh đạo tổ chức, đơn vị đó. Quy chế này buộc mỗi cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc, thẳng thắn tiến hành phê bình chống cái sai, cái xấu...

Làm theo nguyên tắc “Phải tu dưỡng đạo đức suốt đời”. Cuộc đời con người nối tiếp trải qua các giai đoạn khác nhau. Tương ứng với mỗi thời kỳ, giai đoạn ấy có những đặc điểm tâm, sinh lý, môi trường hoạt động, nhiệm vụ, cương vị... khác nhau. Xuyên suốt các giai đoạn đó, con người phải tồn tại và hoạt động trong môi trường gia đình và xã hội với đặc trưng quan hệ, ứng xử khác nhau đều phải thể hiện đạo đức. Trong đó, đạo đức làm người, đạo đức công dân của một nước đang tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, là gốc. Vì vậy, việc phải tu dưỡng đạo đức suốt đời là đòi hỏi khách quan. Nếu tự dừng việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức là đồng thời với quá trình biến chất, con người trở nên tha hóa, hành vi ứng xử sẽ bất cập trong các quan hệ luôn vận động, phức tạp và đặt ra những đòi hỏi ngày một cao.

Đối với cán bộ, đảng viên, việc làm theo nguyên tắc Phải tu dưỡng đạo đức suốt đời của Hồ Chí Minh, trong điều kiện hiện nay, cần làm tốt hai vấn đề cơ bản sau đây:

Một là, trên cơ sở mục tiêu lâu dài của đất nước là xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ quá độ mà toàn Đảng đề ra, nhân dân đồng thuận phấn đấu, trong khuôn khổ Luật cán bộ, công chức, Nhà nước giao cho mỗi cấp, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình cụ thể hóa những chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh thành nội dung, việc làm. Những quy chế cụ thể này được xây dựng từ dưới lên, được mọi thành viên thống nhất và trở thành nhận thức chung để định hướng hành vi. Nó là chuẩn mực đạo đức của ngành, cơ quan, đơn vị mình, mọi người có nghĩa vụ phải chấp hành, có chế tài để triệt buộc những hành vi trái với quy định, đồng thời biểu dương, khen thưởng xứng đáng những hành vi tốt. Ví dụ, đối với thiếu niên, nhi đồng phải cụ thể hóa được 5 Điều Bác Hồ dạy bằng những việc làm chính ở điều kiện hoạt động của các cháu. Đối với thanh niên thì cụ thể hóa lời Bác dạy bằng những việc làm đang là nhiệm vụ của mình, cơ quan, đơn vị giao phó, Đảng, Nhà nước phân công. Là cán bộ, công chức, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chính là thực hành theo quy chế đạo đức mà cơ quan, đơn vị đã cụ thể hóa... Như vậy, liên tục từ môi trường hoạt động của tuổi thơ, trải qua các giai đoạn khác nhau trong mỗi môi trường hoạt động, chức phận, cương vị công tác, vai vế trong gia đình đều phải phấn đấu, rèn luyện và đánh giá đạo đức theo những tiêu chí chung, tiêu chí riêng cụ thể. Đó chính là môi trường đòi hỏi mỗi người phải tu dưỡng rèn luyện đạo đức liên tục, suốt đời.

Hai là, trên cơ sở chuẩn mực đạo đức chung, những quy định đạo đức cụ thể của mỗi ngành ở từng giai đoạn, cơ quan, đơn vị đã được cụ thể hóa, mỗi người với vị trí, cương vị của mình lại cụ thể hơn ý thức và kế hoạch làm theo đạo đức Hồ Chí Minh của riêng mình. Kế hoạch làm theo này phải bám vào nội dung những chuẩn mực đạo đức của Bác. Ví dụ, trên cơ sở nhiệm vụ cụ thể được tổ chức, cấp trên phân công thì chuẩn mực: Trung với nước, hiếu với dân phải được nhận thức qua chương trình hành động cá nhân, là nói, làm và vận dụng sáng tạo đường lối, nghị quyết của đảng các cấp, quyết tâm hoàn thành tốt nhất những chủ trương, kế hoạch, chương trình hành động của Nhà nước, cơ quan, đơn vị mình. Mỗi việc làm, ứng xử đều phải đặt lợi ích của nhân dân, của tập thể lên trên.

Một khi những nguyên tắc xây đựng đạo đức mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh được thể chế hóa thành luật đạo đức công chức buộc tất cả cán bộ đảng viên tuân thủ; một khi cán bộ, đảng viên tự giác hành xử theo những nguyên tắc đó thì việc làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sẽ trở thành nếp sống của cộng đồng./.

Nguồn Tạp chí Cộng sản số 23(167) năm 2008.

Đoàn Thế Hanh
Các tin khác
Xem tin theo ngày