TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Champa trên đất Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 07/12/2022

Văn hóa Champa trên đất Thừa Thiên Huế với hệ thống các di tích và hiện vật còn lại đã phản ánh rõ nét về một giai đoạn lịch sử phát triển lâu đời, những giá trị đó là yếu tố vô cùng quan trọng tạo nên một diện mạo vùng văn hóa đa dạng, đặc sắc. Ngày 06/12, tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã diễn ra Hội thảo khoa học Văn hóa Champa trên đất Thừa Thiên Huế.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình đánh giá cao Hội Khoa học lịch sử tỉnh đã tổ chức Hội thảo khoa học Văn hóa Champa trên đất Thừa Thiên Huế, góp phần khẳng định Văn hóa Champa ở Thừa Thiên Huế là một thành tố quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc Việt. Việc tổ chức hội thảo sẽ giúp ban tổ chức tận dụng các ý kiến khoa học, kinh nghiệm thực tế của các chuyên gia trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Champa tại Thừa Thiên Huế. 

Theo Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Tiến Dũng, văn hóa Champa ở Thừa Thiên Huế là một thành tố quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa Huế. Hiện nay, hầu hết các di tích về Champa ở Thừa Thiên Huế đã trải qua thời gian tồn tại hàng ngàn năm, chịu sự tác động của thiên nhiên khắc nghiệt và chiến tranh ác liệt nên đã trở thành phế tích. Chính vì thế, vấn đề cần thiết là phải ưu tiên tập trung các nguồn lực để giữ gìn, bảo quản những gì còn lại đến hôm nay.

 Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại Hội thảo.

Qua thống kê, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, về di tích có 44 dấu tích công trình liên quan đến văn hóa Champa, trong số này có 17 đền, tháp; 3 thành lũy và nhiều công trình như mộ, bia, giếng cổ… Đặc biệt, có 3 địa điểm được công nhận xếp hạng là di tích quốc gia gồm: tháp đôi Liễu Cốc thuộc phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà; tháp Phú Diên thuộc xã Phú Diên, huyện Phú Vang và Thành Lồi thuộc phường Thủy Biều và phường Thủy Xuân, thành phố Huế.

Về hệ thống hiện vật, trên địa bàn tỉnh, hiện có 251 hiện vật Champa được kiểm kê, lập hồ sơ khoa học; trong đó, có một hiện vật được công nhận Bảo vật quốc gia là Bệ thờ Vân Trạch Hòa đang trưng bày tại Bảo tàng lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận làm rõ các vấn đề liên quan đến văn hóa Champa - một thành tố quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa Huế; các giá trị tiêu biểu của văn hóa Champa; Đồng thời, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa cũng đã nêu lên một số giải pháp để phát huy giá trị văn hóa Champa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong giai đoạn hiện nay./.

Hoàng Oanh (Nguồn: https://dangcongsan.vn)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.338.766
Truy câp hiện tại 1.419