TĂNG CƯỜNG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TRONG SẠCH VỮNG MẠNH; PHÁT HUY MẠNH MẼ NGUỒN LỰC TRÍ TUỆ; ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO, ĐỘT PHÁ TRONG THAM MƯU VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHÍNH TRỊ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG, TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Bảo tồn giá trị văn hóa con người Huế
Ngày cập nhật 06/09/2023
Người Huế trước hết là người Việt Nam, nên tính cách của người Huế có những nét chung của người Việt. Nhưng do những đặc thù về địa chính trị, địa văn hóa, sống trong môi trường văn hóa Huế, nên tính cách của người Huế cũng có tính đặc thù.
 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa (nguyên giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin Thừa Thiên Huế) cùng nhiều nhà văn hóa đã có chung nhận định như thế khi bàn về câu chuyện bảo tồn, phát huy phong tục, tập quán, hệ giá trị văn hóa con người Huế.

Trọng lễ nghĩa, đạo lý

Việc gìn giữ giá trị văn hóa con người Huế có vai trò vô cùng quan trọng của gia đình và dòng họ. Theo PGS.TS Đỗ Bang – Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, gia đình Huế là nền tảng của xã hội phát triển, do đó muốn giữ gìn giá trị văn hóa con người, trước hết là vấn đề ngăn chặn tội phạm ở tuổi vị thành niên mà giải pháp khả thi là việc giáo dục, nuôi dưỡng con cái, bồi dưỡng nhân cách cho thế hệ mới.

Trong giáo dục văn hóa, đạo đức gia đình hiện nay phải đặc biệt coi trọng giáo dục gia phong. Đó là truyền thống tốt đẹp của gia đình được các thế hệ đi trước phấn đấu xây đắp nên và truyền lại cho các thế hệ sau noi theo, kế thừa và phát triển. “Trong đó truyền thống đạo đức là yếu tố cốt lõi của gia phong, là nền tảng tinh thần của sự tồn tại bền vững của gia đình. Dù là gia đình nhiều thế hệ hay gia đình hạt nhân cũng cần phải giáo dục, gìn giữ gia phong”, ông Bang lý giải.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa thì cho rằng, trong đời sống gia đình, văn hóa Huế đề cao lễ nghĩa và truyền thống, huyết thống của gia tộc. Người Huế xưa giữ huyết thống đến chín đời: bốn đời trước là ông sơ, ông cố, ông nội và cha (cao tổ, tằng tổ, tổ phụ, tổ khảo), nối kết với bản thân và bốn đời sau là con, cháu, chắt, chít (tử, tôn, tằng tôn, huyền tôn).

Nề nếp gia phong theo kiểu Huế là cha mẹ nhân từ, con cháu hiếu thảo, anh em hòa thuận, vợ chồng chung thủy. Xung khắc mẹ chồng nàng dâu trong gia đình Huế thường ít căng thẳng, vì con gái đến tuổi lấy chồng phần đông đã được gia đình dạy phận làm dâu. Người vợ Huế thường được đánh giá là đảm đang, nhưng con gái vùng khác lại rất ngại làm dâu xứ Huế.

Tuy nhiên bằng kinh nghiệm sống và sự nghiên cứu của mình, ông Hoa nhìn nhận điều thú vị là tính cách của người Huế thường có sự dung hợp giữa các yếu tố tưởng chừng như đối lập, đối cực, nhưng lại tồn tại một cách tự nhiên trong lối sống Huế.

Ông dẫn chứng, người Huế thường xem trọng lễ nghĩa, đạo lý, biết giữ gìn nề nếp, e ngại dư luận, ngay cả trong “lời ăn tiếng nói”, trong sinh hoạt gia đình và giao tiếp trong họ hàng, ngoài xã hội. Nhưng khi bị kìm hãm thái quá thì đôi lúc lại phản ứng quyết liệt, cả trong tình yêu đôi lứa, trong quan hệ giao tiếp… Người Huế thường kín đáo, nhẹ nhàng, từ tốn, ít khi bộc lộ tâm trạng, sống hiền hòa, bình dị, không bặt thiệp, không bộc trực, không “xởi lởi” nhưng đôi lúc lại “cứng đầu”, phản ứng chống đối dễ quyết liệt, cực đoan.

Tính cách bắt nguồn từ nghệ thuật sống

Ở góc nhìn của PGS. TS Nguyễn Văn Mạnh (Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế), đến nay Huế còn bảo lưu được di sản văn hóa có cội nguồn từ truyền thống văn hóa dân tộc, đã được tích tụ, bồi đắp và phát triển từ một vùng đất vốn là kinh đô, có sự kết hợp giữa văn hóa của cả nước và của vùng đất này.

“Chiều sâu văn hóa đó được biểu hiện qua tính cách người Huế. Tính cách ấy bắt nguồn từ nghệ thuật sống của nhiều thế hệ, được hình thành bồi đắp từ truyền thống văn hóa Huế”, ông Mạnh phân tích. Từ đó, người Huế có rất nhiều đặc trưng tiêu biểu như thanh lịch, tử tế, khéo léo, cầu kì, kín đáo, ý tứ, trầm lặng, nề nếp gia phong, hoài cổ, hướng thiện, hướng nội, gần gũi với thiên nhiên… Do vậy xét trong sự vận động và phát triển, tính cách người Huế vừa tích cực, vừa hạn chế.

“Vì vậy, việc chọn lọc những cái hay cái đẹp, hạn chế những điều chưa thật hợp lý trong tiếp nhận cái mới là điều rất cần thiết. Với tất cả những kỳ vọng về sự vươn mình mạnh mẽ của Huế trong quá trình đô thị hóa, hy vọng người Huế, hơn ai hết phải năng động, nhạy bén, mạnh mẽ, quyết đoán trong tiếp nhận cái mới, cái hiện đại”, ông Mạnh chia sẻ.

Trong khi đó, theo ông Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế, văn hóa Huế, con người Huế đã hội tụ sự sáng tạo, hình thành nên một sắc thái riêng thể hiện những giá trị của văn hóa Kinh kỳ - biểu tượng cho văn hóa Việt suốt nhiều thế kỷ.

Để phát huy hiệu quả các giá trị tinh thần con người Huế cần triển khai đồng bộ các giải pháp như bồi dưỡng ý thức cộng đồng, chú trọng tiếp thu cái mới thể hiện mạnh mẽ tính quyết đoán, ý chí phấn đấu vươn lên, mở rộng giao lưu nhằm tiếp thu tinh hoa các vùng miền trong nước và thế giới… Từ những nhận định đó, ông Dũng khẳng định cần phát huy các giá trị tinh thần truyền thống con người Huế, chú trọng bồi dưỡng, hình thành nên các giá trị mới, đây là nhân tố quan trọng đảm bảo cho Huế phát triển bền vững trong tương lai.

Phan Thành (Nguồn: https://tinhuytthue.vn)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Đăng nhập hệ thống
Người dùng:
Mật khẩu:
Tìm kiếm
Thống kê truy cập
Tổng truy câp 9.305.796
Truy câp hiện tại 536